HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

090 333 1985
09 87 87 0217 

"Cam kết chất lượng - học thử 2 buổi đầu"

ĐĂNG KÝ DẠY
Tại đây
ĐĂNG KÝ HỌC
Tại đây

Làm cha mẹ

Chủ nhật, 4/10/2015 | 10:19 GMT+7

Những vấn đề chăm sóc sau sinh hay gặp sau sinh thường

Con bạn có thể là ưu tiên hàng đầu - nhưng việc chăm sóc sau khi sinh cũng quan trọng không kém đâu. Dưới đây là những vấn đề bạn có thể gặp phải trong quá trình hồi phục sau khi sinh thường, từ chứng đau âm đạo cho đến những vấn đề tiết niệu.
 

 

Quá trình mang thai thay đổi cơ thể bạn ở nhiều khía cạnh hơn bạn nghĩ đấy, và sự thay đổi này vẫn chưa dừng lại khi bạn đã sinh em bé đâu. Cùng tìm hiểu về những thay đổi này nhé.



Đau nhức âm đạo

Nếu bạn phải dùng đến thủ thuật rạch tầng sinh môn (rạch âm đạo) hoặc rách thành âm đạo khi sinh, vết thương có thể còn đau trong vài tuần. Vết rách lớn có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để liền lại. Trong khi chờ đợi, bạn có thể giúp vết thương mau lành bằng những cách dưới đây:

- Nếu thấy khó chịu khi ngồi, ngồi trên một cái gối hoặc dùng loại gối tròn lót ghế.

- Dùng chai xịt để giội nước ấm rửa âm hộ khi đi tiểu. Dùng một miếng băng vệ sinh sạch hoặc khăn mặt chậm nhẹ vào vết thương khi rặn đi cầu.

- Làm mát vết thương bằng một túi chườm đá, hoặc dùng miếng lót làm lạnh cho phụ nữ sau sinh đặt giữa băng vệ sinh và vết thương.

- Uống thuốc giảm đau hoặc thuốc làm mềm phân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Khi vết thương đang lành lại, sự khó chịu sẽ dần biến mất. Liên hệ với bác sĩ chăm sóc của bạn nếu cơn đau trở nên dữ dội; vết thương trở nên nóng, sưng phồng và đau; hoặc bạn thấy dịch tiết giống như mủ.

Dịch tiết âm đạo

Bạn sẽ có dịch tiết âm đạo (sản dịch) trong khoảng vài tuần sau khi sinh. Dịch này thường có màu đỏ tươi, nhiều máu trong vài ngày đầu. Chất dịch sẽ giảm dần, trở nên lỏng hơn và chuyển từ hồng hoặc nâu đến vàng hoặc trắng.

Liên hệ với bác sĩ chăm sóc của bạn nếu:

- Chảy máu quá nhiều
- Dịch tiết có mùi hôi
- Sốt đến 38 độ hoặc cao hơn.
- Các cơn co thắt

Bạn có thể có các cơn co thắt, thỉnh thoảng được gọi là sản hậu thống (các cơn đau sau khi sinh), trong vài ngày đầu sau sinh. Những cơn co thắt này - thường giống với đau bụng kinh - giúp ngăn việc chảy máu quá mức bằng cách ép các mạch máu trong tử cung. Những cơn co thắt này thường dữ dội hơn với những ca sinh liên tiếp. Bác sĩ chăm sóc sức khoẻ của bạn có thể sẽ đề nghị bạn dùng thuốc giảm đau mua tự do không theo toa.

Liên hệ với bác sĩ của bạn nếu bị sốt hoặc bụng đau khi chạm vào. Những dấu hiệu và triệu chứng này cũng có thể do nhiễm trùng tiểu gây ra.

Những vấn đề tiết niệu

Những mô quanh bàng quang và niệu đạo bị sưng phồng và bầm tím có thể gây khó tiểu. Sợ cảm giác đau buốt ở vùng đáy chậu cũng có thể có ảnh hưởng tương tự. Khó tiểu thường sẽ tự hết. Trong khoảng thời gian này, xối nước qua vùng âm hộ trong khi đi toilet cũng có thể giúp ích.

Liên hệ với bác sĩ nếu bạn có bất kì dấu hiệu hay triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu nào. Ví dụ:

- Buồn tiểu liên tục
- Cảm giác nóng rát khi tiểu
- Tiểu thường xuyên, nước tiểu ít

Quá trình mang thai và sinh đẻ làm giãn các mô liên kết ở vùng đáy của bàng quang có thể làm tổn thương các cơ và dây thần kinh ở bàng quang hoặc niệu đạo. Bạn có thể bị són tiểu khi ho, căng thẳng hoặc khi cười. May mắn là vấn đề này thường được cải thiện theo thời gian. Trong lúc đó, hãy mang băng vệ sinh và tập các bài tập cơ Kegel để giúp các cơ sàn chậu khoẻ hơn.

Để tập cơ Kegels, co các cơ vùng chậu của bạn lại như khi bạn đang nhịn tiểu. Cố gắng giữ như vậy trong khoảng 5 giây mỗi lần, 4-5 lần liên tục. Dần dần giữ các cơ này co lại trong 10 giây mỗi lần, nghỉ 10 giây, sau đó tiếp tục. Cố gắng tập ít nhất 3 lần, mỗi lần 10 cái trong một ngày.

Bệnh trĩ và đi ngoài

Nếu bạn thấy đau khi đi ngoài và thấy có chỗ sưng phồng gần hậu môn, bạn có thể mắc phải bệnh trĩ – các tĩnh mạch bị kéo dãn và sưng phồng ở hậu môn hoặc phần dưới trực tràng. Để giảm đau rát và khó chịu trong khi bệnh lành lại, ngâm mình trong bồn nước ấm và đắp các miếng lót làm lạnh dành cho phụ nữ sau khi sinh vào vùng bị ảnh hưởng. Bác sĩ của bạn có thể cũng sẽ cho bạn dùng thuốc đắp trị trĩ.

Nếu bạn tránh đi toilet vì sợ làm tổn thường tầng sinh môn hoặc làm cơn đau do trĩ hoặc vết thương rạch tầng sinh môn nặng hơn, thực hiện các biện pháp để giúp cho phân mềm và đều đặn như thường lệ. Ăn các món ăn giàu chất xơ - bao gồm trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt - và uống nhiều nước. Nếu cần, yêu cầu bác sĩ của bạn cho thuốc làm mềm phân hoặc thuốc xổ có tác dụng thẩm thấu (thuốc làm tăng áp lực phân tử trong ruột).

Một vấn đề tiềm tàng khác đối với những bà mẹ sau khi sinh là chứng đi cầu mất kiểm soát. Các bài tập cơ Kegel thường xuyên có thể có ích khi bị són phân nhẹ. Nếu bạn liên tục có vấn đề trong việc kiểm soát đi ngoài, hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn.

Đau tức ngực và rỉ sữa

Vài ngày sau khi sinh, ngực bạn sẽ bắt đầu trở nên rắn, sưng phồng và đau khi chạm vào (ứ đọng). Để giảm bớt sự khó chịu, hãy cho con bú, dùng máy hút sữa, chườm khăn ấm hoặc tắm bằng nước nóng để ép sữa ra. Bạn cũng có thể dùng thuốc giảm đau không theo toa.

Nếu bạn bị rỉ sữa giữa những lần cho con bú, hãy đặt miếng lót thấm sữa trong áo lót của bạn để tránh làm ướt áo. Thay các miếng lót sau mỗi lần cho bú và khi chúng trở nên ướt.

Nếu bạn không cho con bú, mặc áo lót chắc chắn có khả năng nâng đỡ, ví dụ như áo lót thể thao để làm ngưng việc tiết sữa. Không hút sữa hay xoa bóp ngực bạn, việc này sẽ làm cho sữa tiếp tục được tiết ra.

Nếu đau khi cho bú, hãy liên hệ với chuyên gia tư vấn về việc cho con bú để được giúp đỡ.

Rụng tóc và da thay đổi

Trong quá trình mang thai, mức độ hóc-môn tăng cao làm bạn không bị rụng tóc như bình thường nữa. Kết quả là bạn có một mái tóc dày cộm – và giờ là thời gian trả lại lượng tóc rụng đó. Sau khi sinh, cơ thể bạn sẽ đột nhiên rụng lượng tóc dôi ra này. Hiện tượng rụng tóc thường sẽ ngừng lại trong vòng 6 tháng.

Các dấu rạn da sẽ không biến mất sau khi sinh, nhưng sau cùng, chúng sẽ nhạt dần từ màu tím đỏ thành màu bạc hoặc trắng. Những vùng da bị sậm màu trong quá trình mang thai – ví dụ như sọc dài dọc xuống bụng của bạn (đường nigra) – cũng sẽ dần dần mờ đi.

Thay đổi tâm trạng

Việc sinh con gây ra một mớ lộn xộn những cảm xúc mãnh liệt: thay đổi cảm xúc, dễ cáu kỉnh, buồn bực và lo lắng là những biểu hiện phổ biến. Rất nhiều người mới làm mẹ trải qua trầm cảm nhẹ, đôi khi được gọi là chứng trầm uất sản hậu. Chứng bệnh này thường sẽ giảm trong 1-2 tuần. Trong khi đó, hãy chăm sóc bản thân thật tốt. 

Chia sẻ những cảm xúc của bạn, và nhờ bạn đời hoặc những người thân, bạn bè giúp đỡ. Nếu tình trạng trầm cảm nặng hơn hoặc phần lớn thời gian bạn cảm thấy tuyệt vọng và buồn rầu, hãy liên lạc với bác sĩ của bạn. Việc điều trị kịp thời sẽ rất quan trọng.

Giảm cân

Sau khi sinh, bạn có thể sẽ cảm thấy mình không còn thon gọn nữa. Thậm chí bạn còn có thể giống như vẫn đang mang thai. Điều này là hoàn toàn bình thường. Hầu hết phụ nữ giảm khoảng hơn 10 pound (khoảng 4,5kg) ngay sau khi sinh, bao gồm trọng lượng của em bé, nhau và nước ối. Trong vài ngày sau khi sinh, bạn sẽ tiếp tục giảm cân do các chất lỏng còn sót lại bị thải ra ngoài. Sau đó, một chế độ ăn tốt cho sức khoẻ và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn dần lấy lại vóc dáng lúc trước khi mang thai.

Kiểm tra sau khi sinh

Khoảng 6 tháng sau khi sinh, bác sĩ của bạn sẽ kiểm tra âm đạo, cổ tử cung để đảm bảo bạn đang hồi phục tốt. Bác sĩ cũng có thể sẽ kiểm tra ngực, cân nặng và huyết áp của bạn nữa. Đây là cơ hội tốt để bàn về việc quan hệ trở lại, kế hoạch hoá, cho con bú và việc bạn đang thích ứng với cuộc sống cùng với một đứa trẻ như thế nào. Bạn cũng có thể hỏi về các bài tập Kegel để giúp các cơ sàn chậu khoẻ lên.

Sau cùng, chia sẻ bất cứ thắc mắc nào về mặt thể chất và tinh thần. Có thể những gì bạn đang cảm thấy là hoàn toàn bình thường thôi. Hãy hỏi bác sĩ của mình để đảm bảo chắc chắn khi bạn đang bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời mình.
 

(Nguồn: http://www.webtretho.com/)

Chia sẻ: