HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

090 333 1985
09 87 87 0217 

"Cam kết chất lượng - học thử 2 buổi đầu"

ĐĂNG KÝ DẠY
Tại đây
ĐĂNG KÝ HỌC
Tại đây

Làm cha mẹ

Thứ 7, 17/10/2015 | 12:52 GMT+7

Vì sao bé lại bị sốc khi đi nhà trẻ?

Sau khi bàn bạc, ba mẹ quyết định cho con đi nhà trẻ ngay lập tức. Con vốn là đứa trẻ hoạt bát dễ thương, chắc sẽ dễ dàng hòa nhập với môi trường mới. Nào ngờ, cú sốc này với con lại quá lớn như thế.
 

1. Có em và đi nhà trẻ, chuyện nào sốc hơn?
Con được chào đời trong sự đón chờ của cả hai bên gia đình. Bà dì đang rảnh rỗi, cũng tức tốc chạy tới chăm con từ sớm. Vậy là mẹ sướng. Bao nhiêu chuyện đã có bà dì lo, nên mẹ chăm con cũng khỏe mà đi làm cũng thoải mái, không có gì phải lo cả. Tính con dễ chịu, và bà dì mát tay, nên con lớn lên rất nhanh, khỏe mạnh, béo múp. Con được hai tuổi, ba mẹ quyết định có thêm em.
Từ khi có em, con hay dỗi hờn lắm. Ba mẹ cũng hiểu, đang là cục cưng duy nhất của ba mẹ, của bà dì, nay con thường bị gạt ra rìa vì cả nhà đều chăm bẵm em nhỏ hơn nên rất dễ tủi thân. Nhưng ba mẹ cũng cho qua, vì nghĩ chuyện nhỏ, con nít đứa nào chả vậy, vài bữa rồi quen.
 


 

Nhưng con chưa kịp thích nghi, con không học được cách yêu thương em. Con ganh tỵ, giành giật với em, có những lần con đánh em nữa. Ba mẹ đã phạt con và quyết định vội vàng: Cho con đi nhà trẻ. Có lẽ ở nhà trẻ có nhiều bạn cùng trang lứa, con sẽ dễ nguôi ngoai.
Ở nhà trẻ, con rất buồn rầu. Những lúc ba hoặc mẹ đi đón, con luôn tỏ vẻ vui mừng rồi lại ỉu xìu ngay sau đó, giống như chợt nhớ ra điều gì đó làm mình tủi thân. Là con trai, nhưng sao con nhạy cảm thế?
Con sút ký nhanh chóng, buổi tối con hay gặp ác mộng, buổi sáng thường tìm đủ cách vòi vĩnh để không phải đi học. Ba mẹ cứ nghĩ con bướng nên ra sức ép. Có lẽ ba mẹ sẽ liên tục phạm sai lầm nếu như không phát hiện ra, con thường xuyên bị phạt ở trường.
Phải rồi, các cô làm sao thương con, chăm con tốt được như bà dì được. Tâm lý con lại không tốt, nên lên trường cứ hay ngồi một góc, không nghe lời cô, không hợp tác nên cứ bị phạt hoài. Ba mẹ đành cho con nghỉ học, và tập trung làm công tác tư tưởng, quan tâm trò chuyện với con nhiều hơn. Thật may là cuối cùng con đã vượt qua giai đoạn này và chịu đi trẻ, tất nhiên là ở một trường khác.

2. Cú sốc đầu đời của công chúa nhỏ
Em gái mới lên hai thì bà dì bất ngờ ngã bệnh. Vậy là ba mẹ lại cho em đi trẻ trong vội vàng. Hai anh em học chung một trường thì ba mẹ yên tâm rồi. Nào ngờ, sau khi phản đối không được con im lặng suốt quãng đường đến trường, rồi quay ngoắt đi khi vừa xuống xe, không chịu chào ba mẹ. Nhìn dáng hai anh em dắt tay nhau đi, mẹ thấy xót quá đỗi.
Cuối ngày, mẹ vội vã đến đón. Cô giáo mời mẹ vào lớp. Con đang ngồi quay vào vách tường, đưa cái lưng bé xíu ra ngoài, bộ dạng rất tội nghiệp. Nghe tiếng mẹ, con quay phắt lại, chạy tới ôm mẹ, rồi bất thình lìnhbật khóc “Mẹ, con xin lỗi, con xin lỗi”.
Cô giáo kể, tới lớp, con không chào cô, cũng không thèm chơi với các bạn. Cứ bó gối ngồi một mình, chơi một mình. Rồi có một bạn tới ngồi chơi chung, không biết sao mà con lao tới đánh bạn. Bạn hoảng sợ, khóc òa lên. Sau đó con có xin lỗi bạn, con đứng cúi đầu và nói “xin lỗi bạn, xin lỗi bạn”, rồi đưa tay muốn làm hòa. Nhưng hành động đó chỉ càng làm cho bạn sợ hãi thêm, khóc càng dữ, cô phải gọi điện cho phụ huynh đến đón sớm.
Nhìn con nem nép ra vẻ biết lỗi, mẹ thương lắm, mẹ biết là con sốc quá, nên mới trút giận vào bạn như vậy. Hôm sau, mẹ dặn con đem quà lên tặng bạn rồi xin lỗi, con một mực không chịu đi, đến lúc bị ép đi, con lại ngoan ngoãn leo lên xe, và im lặng như vẫn còn biết lỗi của mình.
 


 

Đến lớp, hay tin bạn đã chuyển trường, mẹ vô cùng ngạc nhiên. Còn con thì dính lấy anh hai không rời, ở rịt luôn trên lớp của anh, không chịu về lớp nữa.
Cũng phải gần một tháng sau, con mới bắt đầu vui vẻ mỗi khi đi học, và đã chịu tham gia vào các hoạt động văn nghệ. Anh hai lên lớp một, con vẫn tung tăng đến trường một mình, không hề vương chút lo lắng nào.
Nhìn vẻ háo hức của con mỗi buổi sáng, mẹ thấy có lỗi thật nhiều. Lẽ ra các con đã có những kỷ niệm ban đầu về trường lớp tươi đẹp hơn chứ không phải là một cú sốc. Sự vô tâm của ba mẹ đã khiến các con chịu khổ. Thật may cho ba mẹ, vì các con đều đã vượt qua!

3. Chuẩn bị tâm lý cho con trước khi đi nhà trẻ
Lên kế hoạch cho con đi nhà trẻ và cùng con thảo luận về việc cần chuẩn bị những gì cho việc "đi học". Trẻ con khá hiếu động và thích khám phá những chuyện mới mẻ, vì thế, chỉ cần ba mẹ nhắc đến nhà trẻ như một như lý thú, con sẽ rất hào hứng. Nhiều bậc phụ huynh thường tỏ vẻ nghiêm trọng, lo lắng trước mặt con, đó là nguyên nhân chính dẫn đến áp lực tâm lý, khiến con sợ hãi khi đi nhà trẻ. Thái độ của ba mẹ đóng vai trò rất quan trọng.
Trước khi con thực sự đi học, hãy đưa con đi tham quan trường học vài lần để con biết trước nơi mà mình sẽ gắn bó như thế nào. Dẫn con vào tận lớp, xem các bạn vui chơi để con sớm có chuẩn bị tâm lý về những việc sắp tới mình sẽ làm. Như vậy, nhà trẻ sẽ trở thành một nơi thân thương trong mắt con, con sẽ bớt sợ hãi do xa lạ.
Ba mẹ cũng nên nắm thời gian biểu ở trường, thời gian ăn, ngủ, sinh hoạt... để điều chỉnh cho con từ lúc còn ở nhà. Khi đến nhà trẻ, con sẽ không bị xáo trộn lịch sinh hoạt, con sẽ khỏe mạnh và vui vẻ hơn.
Buổi tối trước ngày đầu tiên đi trẻ, ba mẹ nhớ chuẩn bị đầy đủ những vật dụng cần thiết để tránh luống cuống, vội vã vào sáng hôm sau. Ngoài ra cần nhớ:
+ Cho con ăn thức ăn dễ tiêu.
+ Cho con ngủ đúng giờ, an ủi để con có giấc ngủ ngon.
+ Chuẩn bị đồ đạc cá nhân cho con, ghi tên con lên trên để tránh thất lạc.
+ Nếu con có vấn đề về sức khỏe, cần sự chăm sóc đặc biệt, hãy ghi rõ trong hồ sơ và trao đổi kỹ với các bảo mẫu.
Ngày đầu tiên đi trẻ, ba mẹ hãy dắt con vào tận nơi gửi cho bảo mẫu và trò chuyện một tí. Con sẽ có cảm giác an toàn hơn nếu biết ba mẹ có mối liên hệ tốt với người phụ trách của mình.

(Nguồn: http://www.webtretho.com/)

Chia sẻ: