HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

"Cam kết chất lượng - học thử 2 buổi đầu"
Làm cha mẹ
Thứ 7, 17/10/2015 | 11:59 GMT+7
Cùng con trải qua mốc phát triển quan trọng -những chiếc răng sữa lung lay
“Răng con lung lay!” Những từ này đánh dấu một mốc phát triển rất lớn trong cuộc đời của con, nó báo hiệu rằng con đã lớn. Điều này đối với một đứa trẻ đôi khi có thể còn đáng tự hào hơn cả biết đọc hay biết viết. Tuy vậy cũng có những bé cảm thấy lo lắng, thậm chí hơi sợ nữa, khi răng mình sắp sửa rụng mất. Phải trấn an con thế nào đây nhỉ?
Mọc trước, rụng trước

"Răng con lung lay!" (Ảnh: Inmagine)
Hầu hết mọi đứa trẻ đều thích thú với cảm giác lạ lạ của chiếc răng lung lay trong miệng (trẻ em nước ngoài hoặc những trẻ sớm tiếp xúc với văn hóa phương Tây còn thêm sự thích thú trước sự ghé thăm của bà tiên răng), nhưng cũng có một số tỏ ra lo lắng liệu khi răng rụng đi thì có đau hay không. Nếu con bạn lo lắng như vậy, hãy trấn an con rằng bé sẽ chẳng cảm thấy gì cả đâu. Và răng sữa phải rụng đi để nhường chỗ cho răng trưởng thành mọc lên – quá trình này thường kéo dài trong khoảng 6 năm hoặc hơn mới hoàn tất.
Con có 20 cái răng sữa - thường mọc đủ khi con được 3 tuổi - rụng đúng theo thứ tự mà chúng đã mọc lên. Điều đó có nghĩa là những chiếc răng cửa hàm dưới thường sẽ rụng đầu tiên, khi con khoảng 5 hay 6 tuổi, sau đó là răng cửa hàm trên. Răng sữa của con thường sẽ không lung lay cho đến khi răng trưởng thành ở bên dưới đã bắt đầu nhú lên.
Một số trẻ có thể bắt đầu thay răng từ khi mới 4 tuổi, hoặc cũng có thể đến tận 7 tuổi mới bắt đầu. Nói chung, trẻ mọc răng sớm thì thay răng cũng sớm hơn. Nhưng nếu chưa đến 4 tuổi mà con đã bị rụng răng sữa, bạn hãy đưa bé đi khám nha khoa để bảo đảm không có bệnh tiềm ẩn nào. Trong trường hợp trẻ bị rụng răng sữa quá sớm do một tai nạn hay một bệnh nào đó về răng, bác sĩ nha nhi sẽ có thể đặt một miếng đệm (bằng nhựa, tùy chỉnh phù hợp) vào nơi răng sữa đã rụng cho đến khi răng trưởng thành mọc lên, để tránh cho răng bị xô lệch về sau. Cũng có thể bé đến 7-8 tuổi chưa bị rụng cái răng sữa nào; trong trường hợp này, có thể không có vấn đề gì nghiêm trọng đâu, nhưng tốt nhất bạn vẫn nên cho con đi khám nha và chụp X-quang để đánh giá tình hình.
Răng cũ rụng đi

Răng cũ rụng đi để nhường chỗ cho những chiếc răng trưởng thành (Ảnh: Inmagine)
Khuyến khích con nhẹ nhàng dùng lưỡi đẩy chiếc răng lung lay. Một số chiếc răng lung lay thậm chí còn có thể xoay tròn được do phần chân răng đã gần như đã rã hẳn. Tuy đã lung lay nhưng răng thường phải mất vài tháng để từ lung lay thành rụng hẳn, và thường sẽ tự rụng. Vậy nên nó có thể bị mắc vào thức ăn, thậm chí con không biết sẽ nuốt luôn vào bụng (có vậy thì bạn và bé cũng đừng lo lắng, vì các nha sĩ đã nói rằng việc này hoàn toàn không gây hại gì). Nhưng hãy nhắc con không được giật răng ra trước khi nó “sẵn sàng” vì có thể khiến chân răng dễ bị nhiễm trùng. Còn nếu mãi mà nó vẫn không chịu rụng thì bạn có thể đưa con đến nha sĩ để nhổ – tuy điều này hầu như không cần thiết.
Quá trình thay răng thường không gây đau đớn gì cho trẻ cả, tuy vậy, bạn cũng cần nhắc bé đẩy những chiếc răng lung lay nhè nhẹ thôi kẻo cạnh của những chiếc răng sữa ấy sẽ cứa vào lợi của con. Và nếu răng hàm của con mọc, bé sẽ có thể cảm thấy khó chịu do lợi bị sưng lên, gây đau. Trong trường hợp này, bạn có thể cho con đi khám, hoặc thuốc giảm đau tại chỗ, acetaminophen hay ibuprofen để làm giảm bớt sự khó chịu của con. Con cũng có thể kêu ca rằng con khó cắn hay nhai với những cái răng lung lay hay với “khoảng trống” để lại nhưng bạn vẫn cần giúp bé duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Nếu con không nhai được, bạn hãy cho bé ăn súp, hoa quả nghiền hay cắt miếng nhỏ và các thức ăn mềm đủ dưỡng chất khác. Đồng thời hãy đảm bảo con đánh răng đều đặn mỗi ngày hai lần.
Răng mới mọc lên

Việc đánh răng bây giờ là quan trọng lắm đấy (Ảnh: Inmagine)
Những chiếc răng mới mọc của con có vẻ to hơn, nhất là những chiếc mọc đầu tiên. Đúng là như thế! Nhưng bạn đừng lo rằng răng con trông quá to so với khuôn mặt, vì đầu con vẫn đang còn phát triển cơ mà, trong khi răng thì không. Răng trưởng thành cũng thường ít trắng hơn răng sữa và có gờ rất rõ vì chúng chưa mòn đi do chưa được dùng để cắn và nhai; bạn cũng không phải lo về điều này, khi có nhiều răng trưởng thành mọc lên thì sự khác biệt về màu sắc này sẽ khó nhận ra hơn.
Dù không phải thường xuyên nhưng thỉnh thoảng, với một số bé, vài chiếc răng mới sẽ nhú ra trước khi răng cũ kịp rụng đi, đẩy chiếc răng cũ về phía trước và tạo thành… 2 hàng răng. Tình trạng này có thể kéo dài trong vài tuần, tuy nhiên nếu nó dài hơn ba tháng, bạn hãy đưa bé đến nha sĩ. Đến bây giờ, việc đánh răng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bạn có thể cần giám sát quá trình này cho đến khi con được khoảng 8 tuổi, đồng thời chú ý thay bàn chải cho con sau khoảng từ 2-3 tháng để tránh những vi khuẩn có hại và để bàn chải phát huy tác dụng nhiều nhất. Con cũng cần đến bác sĩ hai lần mỗi năm nữa đấy, bạn nhé.
(Nguồn: http://www.webtretho.com/)
Tin khác
- Tuyển giáo viên dạy toán giáo trình tiếng Anh
- 6 loại trái cây giàu canxi cho trẻ
- Lỗi khiến con nạp nhiều canxi vẫn lùn
- 5 ‘tật xấu’ của cha mẹ Việt khi dạy con làm hư trẻ
- Xử lí trẻ bướng bỉnh, hay nghịch phá thế nào để con tâm phục khẩu phục?
- Khen con thời công nghệ
- 59 kỹ năng sống cha mẹ Anh thường dạy con
- Nhìn biểu hiện, đoán trúng ý bé sơ sinh
- Những rắc rối khi nuôi con bằng sữa mẹ