HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

"Cam kết chất lượng - học thử 2 buổi đầu"
Làm cha mẹ
Thứ 7, 17/10/2015 | 11:57 GMT+7
Giúp con thế nào khi con khó kết bạn?
Trẻ con từ khoảng 9 tuổi trở lên đã có thể tìm thấy cho mình những người bạn “tri kỷ” dựa trên sự quý mến, ngưỡng mộ hay những điểm chung về tính cách, sở thích… Tình bạn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mọi đứa trẻ vì đây chính là một trong những nguồn sức mạnh tinh thần giúp các bé khôn lớn và tự tin hơn trong cuộc sống.

Các bé có thể dễ dàng thân thiết với nhau khi có cùng sở thích (Ảnh: Inmagine)
Con bạn có thể thích có đông bạn bè xung quanh hoặc chỉ thích chơi thân với một hoặc hai người bạn, cũng có những bé chỉ tỏ ra thoải mái nhất khi ở một mình do những quan tâm của bé khác với hầu hết những đứa bạn cùng trang lứa. Nếu con bạn ở trường hợp thứ ba nhưng cảm thấy vui vẻ và thoải mái với tình trạng này thì cũng không có vấn đề gì, bạn không cần “làm quá” bởi vẫn có những người lớn lên giỏi giang, sáng tạo dù không có nhiều bạn bè xung quanh.
Bạn chỉ nên lo lắng khi con mình có tâm trạng buồn bã vì không hoà nhập được với bạn bè hoặc không được những người bạn xung quanh chấp nhận. Việc không thể hòa nhập được với bạn bè xung quanh có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ. Tình trạng này kéo dài sẽ dễ khiến bé gặp phải không chỉ sự cô đơn và tự ti mà còn nhiều vấn đề khác tưởng như không liên quan nhiều như thành tích học tập giảm sút, rối loạn ăn uống và thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm.
Làm gì nếu trẻ gặp khó khăn trong việc kết bạn?
- Khuyến khích con bằng cách nói chuyện với con về tình bạn, kể chính những kỷ niệm tình bạn thời thơ ấu của bạn để gợi cho con nói lên suy nghĩ của bé;
- Dạy con các kỹ năng xã hội và những cách cư xử cần thiết – hướng dẫn bé cách nhận biết thái độ của người khác cũng như bày tỏ thái độ của mình mà không dùng đến lời nói (chẳng hạn như một nụ cười, một lời nói đùa). Sự hiểu lầm thái độ của người khác cũng là một nguyên nhân khiến con bạn gặp khó khăn khi hoà nhập với mọi người, bé có thể phản ứng thái quá với một lời nói đùa hoặc cố nài ép ai đó khi người ta đã nói không;
- Bạn có thể giúp con học cách kết bạn hay bày tỏ thiện chí của mình bằng trò chơi đóng giả, dạy con cách giao tiếp bằng ánh mắt hay mỉm cười thể hiện sự thân thiện. Con cũng có thể thực tập những câu đơn giản như: “Chào bạn, tớ là Ti, tụi mình chơi cùng với nhau nhé?”
- Dạy cho trẻ những quy tắc xã hội cơ bản như không được đánh nhau, không được tuỳ tiện lấy/ giật đồ của người khác, cách chia sẻ, giúp đỡ và hợp tác với những người xung quanh. Chính những thái độ tốt của bạn sẽ là ví dụ cho con hiểu và noi theo;
- Hãy chào đón những người bạn của con đến chơi nhà; bạn đừng đánh giá những chọn lựa bạn bè của con một cách khắt khe hay ép con phải chơi với những đứa trẻ mà bản thân bạn cảm thấy vừa ý;
- Nói chuyện với những phụ huynh khác để phát triển những mối quan hệ tốt đẹp và tạo điều kiện để bọn trẻ có thể trở thành bạn tốt của nhau;
- Cho con tham gia vào các hoạt động ngoại khóa bên ngoài trường học. Tại các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa hay các câu lạc bộ, bé sẽ dễ dàng tìm thấy những người có cùng đam mê, sở thích để xây dựng nên những tình bạn bền vững và hữu ích;
- Thể hiện tình cảm của bạn dành cho con, trở thành chỗ dựa tinh thần ấm áp nhất giúp bé tự tin, đặc biệt là trong những lúc bé gặp phải rắc rối trong các mối quan hệ bạn bè. Tuyệt đối không bao giờ trách mắng hay khiến bé xấu hổ trước mặt bạn bè;
- Dù thế nào đi chăng nữa, bạn hãy cố gắng đừng can thiệp quá mức vào cuộc sống xã hội hay các mối quan hệ của con – trẻ cần có cơ hội để tự mình tìm hiếu các mối quan hệ xung quanh.

Bạn bè là một trong những nguồn sức mạnh tinh thần to lớn của trẻ (Ảnh: Inmagine)
Bạn lo con kết nhầm bạn xấu?
Không phụ huynh nào tránh khỏi lo ngại rằng con mình sẽ bị ảnh hưởng xấu khi kết bạn với những đối tượng không phù hợp. Sự ngăn cấm khắt khe của nhiều phụ huynh đã khiến cho tình hình trở nên ngày càng tồi tệ, những đứa trẻ sẽ càng gắn bó với nhau hơn và thậm chí là quay sang chống lại bạn. Cách tốt nhất là hãy quan sát bọn trẻ, cho phép trẻ dẫn bạn về nhà chơi để nhìn nhận cụ thể hơn việc bạn cần làm trong trường hợp này, đặt ra những quy tắc như: Không được nghịch phá, lấy đồ người khác hoặc nói những từ ngữ không tốt, nếu để tình trạng ấy xảy ra, cả hai sẽ không được chơi với nhau nữa.
- Tuy không ngăn cấm quyết liệt nhưng bạn cũng đừng để con tự do chơi một mình mà không có sự trông chừng của bạn, đặc biệt với những đứa trẻ khiến bạn cảm thấy không thoải mái.
- Hãy chú ý hơn đến những đứa trẻ mà bạn cảm thấy hoàn toàn không hài lòng khi để chúng kết bạn với con mình, đặc biệt là các cậu nhóc – chúng thường có xu hướng tụ tập lại thành một nhóm nghịch ngợm, phá phách và xúi giục nhau.
- Hãy luôn chắc chắn rằng bạn biết trẻ đang ở đâu, làm gì, với ai – đề ra quy tắc con phải thông báo cho bạn trước khi đi bất kỳ nơi nào.
(Nguồn: http://www.webtretho.com/)
Tin khác
- Tuyển giáo viên dạy toán giáo trình tiếng Anh
- 6 loại trái cây giàu canxi cho trẻ
- Lỗi khiến con nạp nhiều canxi vẫn lùn
- 5 ‘tật xấu’ của cha mẹ Việt khi dạy con làm hư trẻ
- Xử lí trẻ bướng bỉnh, hay nghịch phá thế nào để con tâm phục khẩu phục?
- Khen con thời công nghệ
- 59 kỹ năng sống cha mẹ Anh thường dạy con
- Nhìn biểu hiện, đoán trúng ý bé sơ sinh
- Những rắc rối khi nuôi con bằng sữa mẹ