HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

"Cam kết chất lượng - học thử 2 buổi đầu"
Làm cha mẹ
Thứ 2, 12/10/2015 | 13:38 GMT+7
7 lầm tưởng về việc dạy con đọc sớm
Hầu hết người lớn đều đánh giá thấp khả năng học hỏi và phát triển não bộ, tư duy cũng như các kỹ năng của trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng học tập của con xuất hiện từ sớm và cũng cực kỳ mạnh mẽ, đặc biệt trong việc nhận biết chữ viết và tập đọc.
Dưới đây là 8 lầm tưởng phổ biến nhất trong lĩnh vực này, bố mẹ xem có đúng với suy nghĩ của mình không nhé!
Lầm tưởng 1: Trẻ nhỏ không thể đọc được
Một cách tự nhiên, khi con được 5-6 tuổi, chúng ta mới bắt đầu cho con tiếp cận chữ và dạy con tập đọc. Tuy nhiên trên thực tế, con đã có khả năng đọc từ khi chưa tròn 1 tuổi đời. Có thể bạn không tin, vì ở quanh ta toàn là những đứa trẻ không biết đọc cho đến khi đi học mẫu giáo hoặc bước vào lớp 1. Điểm làm nên sự khác biệt là ở phương pháp dạy dỗ. Có nhiều video trên Youtube về những đứa trẻ dưới 2 tuổi có thể đọc được cùng với cách dạy đọc của bố mẹ chúng là bằng chứng sinh động cho điều này.
Lưu ý rằng, não bộ của trẻ con chưa hoàn thiện, và khi được dạy, con sẽ tiếp thu được, chứ đây không phải là biểu hiện của thiên tài.
Sự thật là, trẻ nhỏ có thể tập đọc được từ rất sớm.
Lầm tưởng 2: Đấy không phải là đọc thật sự
Xem một người lớn đọc sách mà xem, bất cứ chữ nào cũng đọc được một cách nhanh chóng; còn trẻ nhỏ thì chỉ đọc được những chữ nào đã được dạy trước đó. Chỉ vì suy luận này mà nhiều người lớn phủ nhận khả năng đọc của trẻ nhỏ.
Hãy nhớ lại lúc chúng ta là học sinh lớp 1, lần đầu được tiếp xúc với chữ và học ghép vần, sau đó học đọc đi: chúng ta cũng chỉ có thể đọc được những chữ đã được học, và đôi lúc có thể đánh vần rồi đọc ro ro cả đoạn văn nhưng tuyệt nhiên không hiểu một tý gì.
Cho nên, dù ở cấp độ nào đi nữa, việc trẻ nhỏ có thể đọc được là một sự thật.
Lầm tưởng 3: Dạy con đọc sớm sẽ gây áp lực nặng nề lên tuổi thơ của con
Khi nghe đến chuyện dạy cho con đọc sớm, nhiều người ngay lập tức nghĩ đến cảnh con ngồi trong lớp học, bị nhồi nhét đến mức mụ mị và chán ngán việc làm học sinh. Xin thưa rằng đừng đi quá xa như thế; hãy nghĩ đơn giản: tập đọc cũng là một niềm vui của con.
Tập đọc cũng là một trong số vô vàn những trò chơi khám phá thế giới mà con thích thú. Chỉ cần con có được những giờ phút vui vẻ khi tập đọc, con sẽ đồng ý để lặp đi lặp lại chuyện đó mỗi ngày.
Đọc không phải là gánh nặng, không phải áp lực, nó là một trong số ít những thú tiêu khiển hữu ích của con người.
Quy tắc vàng cần nhớ nếu bố mẹ muốn dạy con đọc sớm: Chỉ dạy khi nào con muốn tìm hiểu. Nếu con không hài lòng khi bắt đầu tập đọc hoặc trong quá trình tập đọc, hãy dừng lại một lúc và thử dạy con vào một thời điểm khác. Mục tiêu để dạy con đọc không phải để con sớm đạt được “thành tựu” trong việc học, mà chỉ là:
+ Để đem đến cho con niềm vui;
+ Cho con cơ hội để học đọc tại thời điểm thuận lợi nhất, tức là trong những năm đầu tiên của cuộc đời;
+ Để giúp con có hứng thú và tạo thói quen đọc từ sớm.
Trong cuộc sống hiện đại, đọc được coi là một kỹ năng rất khó để làm chủ, một thói quen xa xỉ với nhiều người. Vậy tại sao phải chờ cho đến khi con được 5 hoặc 6 tuổi mới bắt đầu giải quyết nó chứ?
Khi con bắt đầu đi học, việc tập đọc cũng mới bắt đầu. Giai đoạn này khá phiền nhiễu với con khi từ một đứa trẻ tha hồ bay nhảy chơi đùa phải đối mặt với hàng đống kiến thức và bài tập mỗi ngày. Việc tập đọc cũng vì thế cũng được xem là một gánh nặng. Thay vào đó, dạy cho con đọc từ sớm, con sẽ tìm thấy niềm vui đơn thuần từ việc đọc.
Hơn nữa, đến những năm lên 5, lên 6, con sẽ không phải chật vật với môn tập đọc như các bạn cùng trang lứa.
Lầm tưởng 4: Trẻ chỉ có thể chơi đùa với sách, không thể đọc được
Khi cho trẻ con một vật gì đó, con sẽ tìm mọi cách để chơi đùa với nó, từ cắn, xé cho đến tung lên. Khi bố mẹ đưa một quyển sách, con cũng sẽ khám phá món đồ chơi mới này bằng những cách thông thường đó.
Sự khác biệt ở đây là gì?
Với trẻ nhỏ, học tập là niềm vui cực kỳ lớn lao, vì con đang quá trình khám phá thế giới bên ngoài của mình. Vì vậy, chỉ cần dạy con đọc đúng cách, việc học hay chơi cũng như nhau cả thôi.
Mỗi ngày chỉ nên dạy con đọc tầm 5 phút đồng hồ, vì con chỉ có thể tập trung đến thế mà thôi. Dần dần, có thể tăng dần vài phút mỗi lần, cho đến thời gian tối đa là 20 phút. Nếu con bị mất tập trung, hãy dừng lại ngay lập tức.
Bố mẹ cần phải luôn tâm niệm rằng, mỗi ngày vài phút sẽ hiệu quả hơn một tuần chỉ một lần dạy kéo dài đến vài tiếng đồng hồ. Khi con lớn hơn, mẹ có thể dạy con tập đọc 2-3 lần mỗi ngày.
Lầm tưởng 5: Dạy con đọc để khỏi phải đọc sách cho con nghe nữa
Đúng là nhiều người đang mải miết làm như vậy, đọc sách cho con nghe. Đây là một chuyện rất đáng hoan nghênh, vì thật sự con cũng sẽ rất thích được nghe bố mẹ kể chuyện. Hơn nữa, thói quen đọc sách của bố mẹ cũng ảnh hưởng rất lớn đến các con, hình thành nề nếp sau này cho con.
Bên cạnh đó, việc dạy cho con đọc hoàn toàn không thể thay thế cho việc mẹ đọc sách cho con nghe. Tập đọc, là con đang từng bước khám phá kí hiệu ngôn ngữ. Được nghe mẹ đọc sách, là con làm quen với các câu chuyện, với các nhân vật, với thế giới thần tiên huyền ảo. Con học được logic trong cách kể một câu chuyện của riêng mình, học được ngữ điệu khi nói chuyện. Những chủ đề hay những bài học hữu ích mà con có thể sẽ không gặp được trong cuộc sống hằng ngày sẽ giúp con có thêm nhiều trải nghiệm.