HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

090 333 1985
09 87 87 0217 

"Cam kết chất lượng - học thử 2 buổi đầu"

ĐĂNG KÝ DẠY
Tại đây
ĐĂNG KÝ HỌC
Tại đây

Giáo dục

Thứ 6, 14/8/2015 | 4:33 GMT+7

Đề xuất hai lựa chọn cho bài thi tự luận môn tiếng Anh

'Bài thi viết nên cho 2 lựa chọn, gồm một lựa chọn ít điểm (1 điểm) để viết về chủ đề dễ với yêu cầu văn phong và cấu trúc đơn giản, và một lựa chọn nhiều điểm (2 điểm) để viết về chủ đề khó với yêu cầu phức tạp hơn', thầy giáo Nguyễn Anh Đức đề xuất.

 

Từ những nguyên nhân và thực tiễn của học sinh, học hỏi kinh nghiệm từ các đề thi quốc tế phổ biến, tôi nghĩ bài thi THPT quốc gia môn tiếng Anh nên được thiết kế gồm 2 phần: Đọc hiểu và Viết; nên bỏ hẳn phần kiểm tra ngữ pháp và các câu kiểm tra ngữ âm “bằng mắt”. Bài đọc hiểu nên dài và phân bổ bài đọc từ dễ (tương đương trình độ A1, A2) đến khó (tương đương trình độ B1, B2).

Bài thi viết nên cho 2 lựa chọn, gồm một lựa chọn ít điểm (1 điểm) để viết về chủ đề dễ với yêu cầu văn phong và cấu trúc đơn giản, và một lựa chọn nhiều điểm (2 điểm) để viết về chủ đề khó với yêu cầu phức tạp hơn.

Nhìn lại cơ sở khoa học

Chúng ta đang áp chuẩn CEFR (khung quy chiếu trình độ chung châu Âu) với các khung trình độ gồm A1, A2, B1, B2, C1, C2 (trong đó A1 là từ chưa biết ít tiếng Anh và C2 là có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo như chuyên gia) để đánh giá năng lực tiếng Anh của người Việt Nam. Đây là chuẩn ngôn ngữ mang tính nền tảng nhất và rất khoa học với độ chính xác cao khi phân biệt trình độ sử dụng ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Các bài thi IELTS, TOEFL, Cambridge hay TOEIC đều phải tham chiếu điểm số tương đương chuẩn CEFR để có chỉ dẫn rõ ràng hơn cho thang điểm của mình.

Chuẩn CEFR có bảng mô tả (CEFR descriptors) rất rõ ràng tới từng chi tiết năng lực sử dụng ngôn ngữ đối với từng kỹ năng thực hành tiếng (nghe, nói, đọc, viết) mà mỗi trình độ cụ thể (từ A1 đến C2) có thể làm được gì. Ngoài ra, CEFR cũng chỉ rõ 4 phạm vi ngôn ngữ (4 language domains) gồm: 1 - Phạm vi cá nhân (personal domain) là ngôn ngữ mà người học học để sử dụng giao tiếp về cuộc sống cá nhân như sở thích, gia đình, bạn bè; 2 - Phạm vi công cộng (public domain) gồm ngôn ngữ để giao tiếp với các nội dung về xã hội, công cộng; 3 - Phạm vi nghề nghiệp (occupational domain) gồm ngôn ngữ giao tiếp trong môi trường làm việc hoặc trong nghề nghiệp của người học; 4 - Phạm vi giáo dục/học thuật (educational domain) gồm các giao tiếp trong môi trường học tập, nghiên cứu.

Căn cứ vào 4 phạm vi ngôn ngữ này thì ta có thể thấy bài thi tiếng Anh hiện tại đang tập trung tỷ trọng câu hỏi nhiều hơn vào phạm vi giáo dục/học thuật, phạm vi cá nhân và công cộng tuy có nhưng không nhiều. Trong khi đó, mục đích học ngoại ngữ của bất cứ ai cũng cần phải hiểu và giao tiếp được các vấn đề thuộc về cá nhân và xã hội xung quanh trước, rồi cao hơn mới đến mục tiêu giáo dục/học thuật.

Những học sinh không chọn khối thi có môn tiếng Anh thì dĩ nhiên không thể đầu tư học đủ nhiều để có kiến thức tiếng Anh làm bài thi vốn nghiêng về phạm vi giáo dục/học thuật như trong đề thi tiếng Anh vừa qua. Bên cạnh đó, vì không đầu tư học tiếng Anh nên phần lớn học sinh phổ thông chỉ dừng lại ở trình độ A1 hoặc cao lắm cũng chỉ tới bắt đầu của A2. Nhưng bài thi vừa rồi lại gồm những câu hỏi chủ yếu ở trình độ B1 và B2, nên học sinh không làm được bài là đương nhiên.

Điều chỉnh thế nào?

Nhằm mục tiêu vừa phân loại tốt thí sinh thi đại học môn tiếng Anh, vừa giúp thí sinh các khối không thi tiếng Anh tránh điểm liệt và ôn tập có trọng tâm và hiệu quả hơn cho môn tiếng Anh trong suốt năm học lớp 12, đồng thời cũng giúp cho giáo viên tiếng Anh dễ dạy và hướng dẫn ôn thi hơn, bài thi tiếng Anh THPT quốc gia nên phân thành 2 phần thi gồm đọc hiểu và viết, loại bỏ hoàn toàn câu hỏi ngữ pháp và ngữ âm (những câu hỏi này chính là những câu hỏi mà biết thì làm được, không biết thì chỉ có cách chọn bừa đáp án chứ không thể suy luận hay phán đoán). Cụ thể như sau:

Bài thi đọc nên gồm các bài đọc hiểu ngắn ở trình độ A1 (chiếm khoảng 20%, tương đương 2 điểm) và tập trung hoàn toàn vào phạm vi cá nhân (personal domain) mà bất cứ người học tiếng Anh nào cũng cần biết. Các bài đọc hiểu ngắn ở trình độ A2 (chiếm khoảng 20%, tương đương 3 điểm) với nội dung tập trung vào phạm vi cá nhân (personal domain) và phạm vi công cộng (public domain). Các bài đọc hiểu dài với những câu hỏi khó hơn và phân bổ đều cho trình độ B1 và B2 (chiếm 40%, tương đương 4 điểm) và tập trung vào phạm vi giáo dục/học thuật (tương tự các bài đọc hiểu hiện đang có trong đề thi tiếng Anh THPT quốc gia 2015).

Khi bài thi chỉ gồm các câu hỏi đọc hiểu cũng có nghĩa là học sinh có cơ hội được sử dụng khả năng phán đoán và suy luận của mình. Học sinh yếu vẫn có thể “sống sót” khi đọc các bài ở trình độ A1, A2 và với nội dung tập trung vào những chủ đề quen thuộc mà các em đã được học trong chương trình phổ thông, và nhất là khi người ra đề có chủ ý hỏi vào khả năng suy luận, tìm ý, logic của thí sinh. Nếu chủ đích ra đề rõ ràng như vậy thì việc ôn thi môn tiếng Anh của học sinh sẽ trở nên có mục đích và phạm vi ngôn ngữ rõ ràng hơn.

Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Giang Huy.

 

Có ai đó sẽ nói rằng với danh mục chủ đề và phạm vi ngôn ngữ đã được khoanh vùng thì học sinh sẽ học tủ các chủ đề thuộc phạm vi cá nhân và xã hội thì sao? Câu trả lời là học sinh học tủ cũng tốt, vì suy cho cùng học ngoại ngữ chính là học thuộc: thuộc từ vựng, cụm từ và cấu trúc câu ở dạng chữ viết (đọc và viết) và ở dạng âm thanh (nghe và nói). Khi đã tập đọc nhiều và học tập trung vào phạm vi cá nhân và xã hội, các em sẽ tự tích lũy cho mình được một lượng kiến thức tiếng Anh thiết yếu và thực dụng nhất để có thể sử dụng được tiếng Anh cho bản thân ở mức độ cá nhân và xã hội tối thiểu, thay vì chỉ lo học vài cấu trúc ngữ pháp để làm bài thi rồi không dùng được tiếng Anh trong cuộc sống.

Còn đối với các bài đọc hiểu ở trình độ B1, B2, ngoài việc tập trung vào chủ đề khó thuộc phạm vi giáo dục/học thuật (educational domain) thì nên cho nhiều câu hỏi và bài đọc này cần dài. Vì tốc độ đọc của thí sinh cũng là một yếu tố để kiểm tra khả năng ngôn ngữ. Lúc này những thí sinh thi khối D sẽ phải thực sự chạy đua với thời gian để làm tốt nhất phần thi của mình, và những ai có sự thành thạo hơn về tiếng Anh sẽ đọc nhanh hơn, những ai ít thành thạo hoặc vốn từ ít hơn thì sẽ làm chậm hơn... Như vậy thì khả năng phân loại học sinh khá giỏi môn tiếng Anh sẽ rất cao và rõ rệt.

Bài thi viết, như đã nói ở trên, nên cho hai lựa chọn đề thi gồm đề dễ chỉ có 1 điểm, và đề khó với 2 điểm tối đa. Đề dễ sẽ tập trung câu hỏi bài viết về các nội dung thuộc phạm vi cá nhân và gia đình như hãy viết về gia đình bạn, hoặc viết về sở thích cá nhân của bạn, hoặc thú vị hơn là hãy viết một thư điện tử (email) giới thiệu với một người bạn nước ngoài về quê hương bạn. Mà đã là email thì cấu trúc không đòi hỏi chặt chẽ, văn phong đơn giản, miễn là người viết diễn đạt rõ ý, vận dụng vốn từ hợp lý, tổ chức câu rõ ràng là đủ để người nước ngoài hiểu được. Như thế là đã đạt yêu cầu sử dụng ngôn ngữ và có thể được trọn vẹn 1 điểm nếu không mắc lỗi ngữ pháp đáng kể.

Còn bài thi viết với đề khó hơn sẽ là lựa chọn của những thí sinh thi khối D với tính phân loại cao và yêu cầu phức tạp. Đề thi viết khó nên đưa ra yêu cầu cụ thể là viết luận với số lượng từ vựng tối thiểu được quy định rõ và văn phong đòi hỏi khó như yêu cầu tranh luận một quan điểm (argumentative essay) tương tự bài thi viết luận (task 2) của IELTS. Dĩ nhiên các yêu cầu về hình thức và tổ chức của bài luận này cần được hướng dẫn rõ ràng ngay từ đầu năm học cho học sinh, đồng thời cung cấp đề mầu và bài viết mẫu, kèm theo các tiêu chí chấm điểm rõ ràng (về ngữ pháp, từ vựng, sự mạch lạc, sự liên kết nội dung... trong bài luận) để học sinh tham khảo và có cơ sở để ôn luyện.

Bài thi viết IELTS cũng có đề thi mẫu, bài viết mẫu, tiêu chí chấm điểm... rất rõ ràng và nguồn cũng rất phong phú, nên có thể sử dụng làm gợi ý tham khảo ngay cho học sinh từ đầu năm học mà không mất công tổ chức, biên soạn đề mẫu và các tiêu chí chấm điểm.

Khi tổ chức lại đề thi tiếng Anh như gợi ý trên, học sinh có trình độ tiếng Anh ở mức trung bình sẽ đủ khả năng làm được 5 đến 6 điểm, gồm bài đọc ở trình độ A1, A2, bài viết ở lựa chọn dễ, cộng với việc “ăn may” khi nhắm mắt điền bừa trong những bài đọc ở trình độ B1, B2. Như vậy là phổ điểm sẽ trở nên cân đối khi số điểm nhiều nhất sẽ tập trung ở điểm 5 đến 6, và ít dần về hai phía điểm 1, 2 và điểm 9, 10.

Nhưng ý nghĩa hơn đó là nó định hướng cho việc dạy và học tập trung vào kỹ năng sử dụng ngôn ngữ với những chủ đề khả thi và thực dụng cho học sinh, thay vì học từng điểm ngữ pháp và ngữ âm rối rắm, rồi không dùng được trong cuộc sống. Một điều cần thiết nữa là mọi dạng đề thi mới đều cần được đưa ra bài mẫu thật sớm để giáo viên và học sinh có sự chủ động về thời gian đủ để chuẩn bị.

Thầy giáo Nguyễn Anh Đức
Tác giả cuốn sách Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh

( nguồn từ www.vnexpress.net )

 

Chia sẻ: