HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

090 333 1985
09 87 87 0217 

"Cam kết chất lượng - học thử 2 buổi đầu"

ĐĂNG KÝ DẠY
Tại đây
ĐĂNG KÝ HỌC
Tại đây

Tuyển sinh

Thứ 7, 19/9/2015 | 7:45 GMT+7

Nhiều trường Đại học dân lập có nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu

Nhiều trường đại học ngoài công lập lo ngại không tuyển đủ chỉ tiêu vì hiện rất ít thí sinh đến đăng ký xét tuyển.

 

Theo báo cáo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết ngày 15/9, đã có 24 trường đại học thông báo xét tuyển đợt 3, còn gọi là xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2, với điểm nhận hồ sơ xét tuyển đều từ mức điểm sàn 15 điểm.

Tuy chưa hết thời gian xét tuyển, nhưng nhiều trường, đặc biệt là trường đại học ngoài công lập lo ngại không tuyển đủ chỉ tiêu vì hiện rất ít thí sinh đến đăng ký xét tuyển. Nếu không tuyển đủ chỉ tiêu, cùng với vấn đề lãng phí cơ sở vật chất, các trường ngoài công lập sẽ gặp khó khăn trong cân đối thu - chi và hoạt động đào tạo sau này.

Số lượng thí sinh đến đăng ký vào các trường dân lập rất thưa thớt

Các trường đại học thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2  hầu hết là trường địa phương, trường ngoài công lập và trường có tính đặc thù. Một số trường có chỉ tiêu tuyển sinh lớn như Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại học Sao Đỏ, Đại học Công nghiệp Việt Trì, Đại học Hoa Lư Ninh Bình, Đại học Bà Rịa- Vũng Tàu...

Theo thống kê của các trường, từ ngày 11/9 đến nay, số thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển rất ít, mỗi ngày chỉ có vài thí sinh đến nộp hồ sơ. Với tình hình xét tuyển như hiện nay, các trường đều lo ngại sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo. Đối với trường ngoài công lập, việc không tuyển đủ chỉ tiêu sẽ khiến các trường rơi vào cảnh khó khăn về tài chính do không cân đối được nguồn thu - chi.

Ông Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình cho biết: “Từ 11/9 đến nay, số thí sinh đăng ký rất ít. Rải rác mỗi ngày có vài ba thí sinh đến. Chúng tôi đang lo là không tuyển đủ chỉ tiêu. Hiện nay trường còn khoảng 500 chỉ tiêu nữa. Với những trường nhỏ, việc không tuyển đủ chỉ tiêu hàng năm sẽ thay đổi cân bằng thu chi của trường. Nếu như thiếu khoảng 500 chỉ tiêu thì số kinh phí trong năm sẽ sút khoảng 4 đến 5 tỷ đồng. Với một trường mới thành lập, thiếu hụt cân bằng thu chi như vậy là rất khó khăn”.

Theo kinh nghiệm của các trường, những đợt xét tuyển sau, số thí sinh đăng ký xét tuyển sẽ càng ít, nên những trường có chỉ tiêu xét tuyển bổ sung lớn chắc chắn sẽ không tuyển đủ thí sinh.

Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, hiện nhà trường mới có hơn 1.700 học sinh đến nhập học, còn thiếu trên 3.000 chỉ tiêu đào tạo. Với số lượng chỉ tiêu xét tuyển bổ sung lớn, nếu xét tuyển cả nguyện vọng bổ sung đợt 3 cũng khó tuyển đủ thí sinh. Không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh 2015 sẽ dẫn đến lãng phí về cơ sở vật chất, đặc biệt là khó có nguồn kinh phí để trả lương cho giáo viên.

Ông Vũ Văn Hóa chia sẻ thêm: “Hai đợt trước đã là rất khó khăn, đợt này lại  càng khó khăn thêm. Mấy ngày đợt 3 trường mới nhận được 53 hồ sơ. Chúng tôi thấy so với tuyển sinh năm trước, các trường tự chủ thì không đến nỗi khó khăn như thế. Đây cũng là một khó khăn đối với số lượng 1.114 giáo viên của chúng tôi hiện nay. Bởi vì số lượng giáo viên tương đối đông so với các trường ngoài công lập khác. Năm nay chưa phải ảnh hưởng lắm, nhưng đến năm sau dạy nghiệp vụ thì số giáo viên sẽ bị giảm thấp, bởi vì không có đủ giờ giảng ở lớp học”.

Ông Vũ Phán, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phương Đông (Hà Nội) cho rằng, với các trường công lập, việc không tuyển đủ chỉ tiêu cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đào tạo, nhưng với các trường ngoài công lập, nếu vài năm liên tiếp không tuyển đủ chỉ tiêu thì sẽ không có nguồn thu để duy trì hoạt động, nguy cơ giải thể trường là rất lớn.

Theo ông Vũ Phán: “Chúng tôi đăng ký tuyển 1.900 chỉ tiêu. Thế nhưng bây giờ hụt đi chỉ tiêu nào thì cũng không phải là bớt đi được, dẫn đến thu giảm, mà chi có khả năng vẫn thế, hoặc tăng lên. Năm nay các trường top dưới vẫn thiếu chỉ tiêu. Ở trường công lập mà thiếu chỉ tiêu, thậm chí giải thể thì có ngân sách nhà nước đỡ, còn trường ngoài công lập thì có ai đỡ đâu?”.

Một số trường ngoài công lập khó tuyển sinh không phải là vấn đề mới nảy sinh trong mùa tuyển sinh 2015 mà đã kéo dài từ vài năm nay. Tuy nhiên, ngoài giải pháp các trường tự nâng cao uy tín, chất lượng đào tạo thì hiện các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa đưa ra được giải pháp hiệu quả nào để tháo gỡ khó khăn trong tuyển sinh cho các trường ngoài công lập.

(Nguồn: http://kenhtuyensinh.vn/)

Chia sẻ: