HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
"Cam kết chất lượng - học thử 2 buổi đầu"
Làm cha mẹ
Thứ 5, 24/12/2015 | 1:28 GMT+7
6 hành vi có tiềm năng thành thói quen xấu ở trẻ
Trẻ nói dối đã dọn giường ngủ, hoặc khoe với bạn bè đã đi thăm nước Mỹ dù chưa bao giờ bước lên máy bay... Dần dần nói dối sẽ trở thành phản xạ.
Đừng bỏ qua những hành động dưới đây của con mà bạn cần chỉnh đốn ngay lập tức để chúng không trở thành những thói quen xấu khó bỏ sau này:
1. Ngắt lời cha mẹ
Con bạn đang rất háo hức chia sẻ với bạn điều gì đó hoặc đặt câu hỏi, nhưng cho phép con ngắt lời khi bạn đang nói chuyện sẽ không dạy con tính ý tứ với người khác hoặc tự chơi khi bạn bận rộn. Nhà tâm lý Jerry Wyckoff, tác giả của cuốn Getting Your Child From No to Yes cho biết “Hệ quả của việc này là trẻ sẽ cho mình quyền gây chú ý với người khác và không thể tự nguôi ngoai khi yêu cầu không được đáp ứng”.
Giải pháp: Khi bạn chuẩn bị gọi điện thoại hoặc thăm một người bạn, hãy nói rằng chúng cần giữ im lặng và không làm gián đoạn cuộc trò chuyện của bạn. Hãy yêu cầu trẻ làm việc gì đó hoặc khuyến khích trẻ chơi món đồ chơi yêu thích khi bạn bận rộn. Nếu chúng luôn níu tay bạn khi bạn nói chuyện, hãy yêu cầu con giữ im lặng và ngồi vào ghế cho đến khi bạn xong việc. Sau đó, hãy giải thích cho con rằng chúng sẽ không có được điều chúng muốn nếu còn ngắt lời khi đang bạn đang nói chuyện với người khác.
Đương nhiên là bạn cần phải ra tay khi con đánh bạn cùng chơi, nhưng bạn cũng cần chú ý đến những hành động khó nhận biết hơn như xô đẩy em hoặc cấu bạn. Chuyên gia Michele Borba, tác giả của cuốn Don't Give Me That Attitude!: 24 Rude, Selfish, Insensitive Things Kids Do and How to Stop Them cho biết: “Nếu bạn không can thiệp, những hành động hung hãn sẽ trở thành thói quen ngay từ khi còn nhỏ. Thêm nữa, trẻ sẽ hiểu rằng hành động bạo lực và làm tổn thương người khác là hoàn toàn chấp nhận được”.
Giải pháp: Những hành động xấu của con cần phải bị nêu tội. Nói với trẻ “Hành động của con làm người khác bị đau. Con sẽ cảm thấy thế nào nếu ai đó làm như vậy với con?”. Trẻ cần hiểu rằng hành động làm người khác bị đau là không thể chấp nhận được. Lần tới, trước khi chúng đi học hoặc đi chơi, hãy nhắc nhở chúng không được tỏ ra hung hãn. Bạn hãy giúp trẻ thực hành nói những điều cần thiết khi chúng cảm thấy quá tức giận thay vì trút giận lên người khác. Nếu con vẫn tiếp tục đánh bạn thì hãy yêu cầu trẻ ngừng chơi.
3. Vờ như không nghe thấy lời bố mẹ nói
Khi bạn yêu cầu con 2 - 3 lần mà trẻ không làm những việc mà bạn muốn như cất đồ chơi, lên xe… sẽ khiến trẻ nghĩ rằng lờ đi điều bạn nói là điều hoàn toàn bình thường. Trong trường hợp này, chính con chứ không phải bạn có tiếng nói quyết định. Nhà tâm lý Kevin Leman, tác giả của cuốn sách First-Time Mom: Getting Off on the Right Foot -- From Birth to First Grade cho biết “Nhắc đi nhắc lại một việc gì đó sẽ khiến chúng đợi đến lần nhắc nhở tiếp theo hơn là chú ý và làm theo mệnh lệnh của bạn ngay từ lần đầu tiên. Nếu bạn để cho tình trạng này tiếp diễn, con bạn sẽ có tính thách thức, ngang ngạnh và kiểm soát”.
Giải pháp: Thay vì nói với con từ phòng khác, hãy bước đến trước mặt con và yêu cầu rõ ràng điều con cần thực hiện. Hãy yêu cầu trẻ nhìn bạn, lắng nghe điều bạn nói và đáp lại bạn bằng cách nói “Vâng ạ”. Đặt tay lên vai, gọi tên trẻ hoặc tắt TV để trẻ tập trung hơn vào điều bạn nói. Nếu con không nghe lời bạn, hãy đưa ra hình phạt thích đáng.
Ví dụ trường hợp bé Jack, 6 tuổi đến từ New York (Mỹ), khi bé thể hiện thái độ không nghe lời, bố mẹ bé đã quyết định cần phải thay đổi điều đó. Bố mẹ cậu bé đã nói rằng nếu con để bố mẹ nhắc nhở nhiều hơn một lần những việc như ăn tối, đi tắm… thì con sẽ chỉ được xem TV một lần trong ngày (thay vì 2 lần) hoặc bớt đi chơi một lần trong tuần. Nếu con để bạn nhắc nhở con hai lần, con sẽ không được xem TV nữa và bớt đi chơi 2 lần trong tuần. Cô Lydia, mẹ bé cho biết “Nếu tôi không can thiệp thì việc này sẽ còn tiếp diễn. Và biện pháp này có vẻ rất hiệu quả”.
4. Lấy đồ vật mà không xin phép
Con tự lấy được đồ ăn vặt hay tự bật TV sẽ giúp bạn không phải luôn tay bận rộn, nhưng cho phép con tự do làm mọi việc sẽ không dạy con về việc tuân theo những quy tắc nhất định. Chuyên gia Wyckoff nói rằng “Việc đứa trẻ hai tuổi tự mình làm được những việc nhỏ như mở tủ lấy bánh quy ăn có thể khiến bạn thích thú, nhưng điều đó có thể tạo thành thói quen tự ý làm mọi việc mà không cần sự cho phép của người lớn. Khi lớn hơn, chúng có thể tự ý đi chơi ở nhà bạn mà không cần xin phép bố mẹ”.
Giải pháp: Hãy đặt ra một số nguyên tắc nhất định trong nhà và nhắc nhở con thường xuyên như “Con phải xin phép nếu muốn ăn kẹo bởi đó là quy tắc”. Nếu con bạn xem TV mà không xin phép, hãy yêu cầu con tắt đi và nói “Con cần xin phép trước khi bật TV”. Nêu rõ quy tắc sẽ giúp con ghi nhớ và tiếp thu dần dần.
Khi bé Sloan Ibanez, 3 tuổi, tự ý lấy bút nhớ dòng mà không xin phép và tô màu lên khắp cánh tay mình; mẹ cô bé, Tanzy, đã nói rằng cô bé sẽ không được tham gia tô màu ở chương trình bán hàng từ thiện buổi chiều ngày hôm đó nữa. “Cô bé khóc lóc nhưng tôi biết rằng nếu không nghiêm khắc lúc này thì sẽ phải hối hận sau này bởi con bé sẽ lặp lại hành động trên”, mẹ cô bé cho biết.
5. Thái độ chống đối
Bạn nghĩ rằng con mình còn bé và những hành động như trừng mắt hoặc cách nói cộc cằn, thô lỗ sẽ không xảy ra cho đến khi con bước vào tuổi dậy thì, nhưng hành vi xấc xược này bắt đầu từ độ tuổi mẫu giáo vì chúng bắt chước trẻ lớn hơn để thử phản ứng của cha mẹ. “Nhiều cha mẹ không để ý tới hành động này bởi họ cho rằng giai đoạn này sẽ qua đi, nhưng nếu bạn không nghiêm khắc nhắc nhở, con bạn sẽ trở thành người thiếu tôn trọng bạn bè, thầy cô giáo và người lớn khác khi lớn lên”, tiến sĩ Borba nói.
Giải pháp: Hãy lưu ý con mình về hành vi này. Nói với con như “Nếu con trừng mắt như vậy tức là con không thích điều mẹ nói”. Mục đích không phải là khiến con cảm thấy tồi tệ mà chỉ ra cho con thấy mình như thế nào khi hành xử như vậy. Nếu hành vi này vẫn tiếp diễn, bạn có thể từ chối trò chuyện và bỏ đi. Hãy nói rằng “Mẹ không nghe thấy những lời nói của con khi con nói theo cách đó. Khi con nói một cách lễ phép, mẹ sẽ lắng nghe”.
6. Nói sai sự thật
Trẻ nói chúng đã dọn dẹp giường ngủ mặc dù con không bao giờ động tay vào việc đó, hoặc khoe khoang với bạn rằng đã được đến thăm Disney World nhưng chưa bao giờ bước lên máy bay. Có thể bạn coi những lời nói là không có gì là to tát nhưng bạn cần thẳng thắn với con về việc thiếu trung thực. Chuyên gia Wyckoff nói rằng “Nói dối sẽ trở thành phản xạ tự nhiên của trẻ nếu trẻ hiểu rằng đó là cách để mình trở nên đặc biệt hơn trong mắt người khác, hoặc tránh bị yêu cầu làm việc gì đó mình không muốn hay tránh bị gặp rắc rối vì làm sai điều gì đó”.
Giải pháp: Nếu con bạn nói dối, hãy ngồi xuống và nói thẳng với con rằng “Được đi Disney World rất thú vị và có thể chúng ta sẽ đến đó một ngày gần đây nhưng con không nên nói với bạn rằng mình đã đến đó. Nếu con không nói sự thật thì sẽ không ai tin con nữa cả".
Hãy cân nhắc động cơ nào khiến con nói dối và chắc chắn con không đạt được mục đích đó. Chẳng hạn như, nếu con nói đã đánh răng rồi trong khi chưa đánh, hãy nghiêm khắc yêu cầu con quay lại đánh răng.
Khi cô bé 5 tuổi Sophia nói dối, mẹ cô bé – Christine đã kể câu chuyện ngụ ngôn “Chú bé và con sói” để giải thích rằng nếu nói dối quá nhiều thì mọi người sẽ đánh mất niềm tin ở con. “Kể chuyện sẽ giúp con nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Cô bé Sophia trở nên trung thực hơn và rất tự tin mỗi khi tôi tỏ ra nghi ngờ cô bé”, chuyên gia Hohlbaum, tác giả cuốnDiary of a Mother: Parenting Stories and Other Stuff nói.
(Nguồn: http://giadinh.vnexpress.net/)
Tin khác
- Tuyển giáo viên dạy toán giáo trình tiếng Anh
- 6 loại trái cây giàu canxi cho trẻ
- Lỗi khiến con nạp nhiều canxi vẫn lùn
- 5 ‘tật xấu’ của cha mẹ Việt khi dạy con làm hư trẻ
- Xử lí trẻ bướng bỉnh, hay nghịch phá thế nào để con tâm phục khẩu phục?
- Khen con thời công nghệ
- 59 kỹ năng sống cha mẹ Anh thường dạy con
- Nhìn biểu hiện, đoán trúng ý bé sơ sinh
- Những rắc rối khi nuôi con bằng sữa mẹ